Lượt xem: 1222

Xuân Hòa - Một thời hoa

Đã bước qua thời kỳ chiến tranh máu lửa, Xuân Hòa vươn mình trong gian khó, bước từng đi vững chắc trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, kiến tạo lại quê hương. Phong trào cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng, giao thông nông nông, thủy lợi nội đồng... từng bước được kiên trì thực hiện. Đảng bộ và Nhân dân Xuân Hòa lại tiếp tục thể hiện ý chí tự lực, tự cường của mình.

    Tôi về Xuân Hòa trong tâm trạng nôn nao vì chưa hình dung hết những đổi thay trên vùng đất này - một vùng đất một thời gọi là “vùng sâu, vùng xa” của huyện Kế Sách. Ngày đó đời sống của người dân Xuân Hòa còn rất nhiều khó khăn. Mặc dù chiến tranh đã đi qua khá lâu, nhưng nơi đây vẫn còn mang nặng “di chứng” của không biết bao nhiêu tấn bom đã trút xuống trên những vườn cây trái nức tiếng một thời. Đã bao lần tôi đi về các ấp vùng sâu như: Hòa Quới, Cứ Mạnh, Hòa Lợi, Hòa Lộc, Hòa Phú... tôi đã từng cuốc bộ trên con đường qua những mãnh vườn tạp, ngắm những cây dừa, cây xoài, măng cụt cao lừng lững nhưng trên thân cây vẫn còn lưu lại đầy thương tích.


Xuân Hòa hôm nay.

    Cũng như các xã vùng sâu, vùng căn cứ kháng chiến khác, Xuân Hòa trong những năm 1975 - 1985 vẫn còn nghèo lắm, trên 30 năm đội bom, hứng đạn của kẻ thù, đã làm cho vùng đất này xác xơ, hoang tàn... Những con lộ nhỏ hẹp, lầy lội, đứt khúc, những cây cầu khỉ cheo leo bắc ngang con sông nhỏ và sự túng thiếu trong cái ăn, cái mặc... là những quá khứ không thể nào quên của bà con nơi đây, trong những năm đầu chấm dứt chiến tranh. Một lần nữa người dân Xuân Hòa đứng trước một cuộc chiến mới - một cuộc chiến không tốn máu xương nhưng lại có muôn vàn gian lao, thử thách. Nhưng không riêng Xuân Hòa mà ở các vùng căn cứ kháng chiến, vùng sâu, vùng xa của Kế Sách lúc bấy giờ, đều lâm vào hoàn cảnh nghèo khó như thế. Làm thế nào để Xuân Hòa vượt khó? Đó là những trăn trở của các đồng chí lãnh đạo xã Xuân Hòa trong nhiều năm liền. Những hình ảnh đó cứ luôn bám vào trong tâm trí tôi suốt quảng đường đi vào địa giới Xuân Hòa.

    Nhưng về Xuân Hòa lần này, tôi lại ngỡ ngàng với bao thay đổi, con đường liên ấp từ ấp 5 (xã Ba Trinh) được nối liền với trung tâm xã với 2 ấp Hòa Lộc 1, Hòa Lộc 2 bằng con lộ bê tông chắc chắn. Cảnh vật hoàn toàn thay đổi mà tôi không thể hình dung được và nếu không có tấm bảng đề 3 chữ “Cầu Sao Sáo” thì chắc chắn tôi không thể nhận ra vàm Sao Sáo ngày nào.

    Tôi cùng anh Tư Lê (anh Lưu Quang Lê - nguyên cán bộ Công ty Lương thực huyện Kế Sách), đến thăm nhà anh Năm Nhỏ (anh Lê Văn Năm - nguyên Bí thư Xuân Hòa). Tiếp chúng tôi trong căn nhà tường khang trang với xung quanh là những tàng vú sữa, mận và hàng chục loại cây cảnh rợp mát, anh Năm Nhỏ phấn khởi cho biết: “Xứ mình giờ tìm một cái nhà lợp lá như “hồi đó” không có, nhà giờ xây tường hết rồi. Nhắc đến “hồi đó”, anh nhớ lại: “Gian nan lắm! khó khăn lắm! Hồi đó cả cái ấp này hầu như là nhà lá tạm bợ, đường xá đi lại thì toàn là cầu khỉ, nên đi lại chủ yếu là ghe xuồng chèo chống, nên làm cán bộ cơ sở cực khổ trăm bề. Nào là huy động lương thực, thu nợ thuế nông nghiệp, rồi vận động nạo vét đào kênh thủy lợi, nào là vận động thanh niên đi nghĩa vụ quân sự, rồi vận động bà con thay đổi tập quán canh tác, cải tạo vườn tạp, đủ mọi chuyện trên đời đều dồn hết xuống cơ sở... Đường đi khó khăn, gần thì cuốc bộ, xa thì xuống xuồng chèo chống xuống tận các ấp. Người dân đã nghèo mà cán bộ xã ấp cũng nghèo không kém. Nhưng bây giờ Xuân Hòa đã thực sự đổi khác so với “hồi đó”.

    Vốn là vùng đất nổi tiếng vườn cây ăn trái với những vườn sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, cam, quýt một thời sánh ngang hàng với miệt vườn khắp các vùng Nam kỳ lục tỉnh... Nhưng mấy chục năm chiến tranh tàn phá, đã khiến cho nhiều mãnh vườn trù phú ngày nào trở thành vườn hoang tạp nhạp. Rồi cộng thêm tập quán canh tác tự phát, manh mún, hạn chế đầu tư về khoa học kỹ thuật, tiếp nhận các chủng loại giống mới và mang nặng tâm lý tiêu thụ nội địa...  Có lẽ chính những điều đó đã làm cho miệt vườn Xuân Hòa chựng lại một thời gian khá dài. Tuy nhiên, với lợi thế là vùng đất chuyên về trồng cây ăn trái, Xuân Hòa lại hội tụ được “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” là động lực giúp Xuân Hòa đột phá đi lên. Bước vào những năm đầu của thập niên 90, những vườn chuyên canh cây ăn trái đặc sản bắt đầu hình thành.

    Anh Năm Nhỏ cho biết: “Vào thời điểm đó, tuy diện tích cây ăn trái đặc sản chưa nhiều, giá cả còn bấp bênh, nhưng bà con mình “sống được” để từng bước tập trung cho khâu chuyển đổi cây trồng theo hướng sản xuất lớn”. Những vườn mận, vườn ổi Đài Loan, sa bô, chôm chôm... đã tạo thêm nguồn vốn đầu tư để hình thành những khu vườn sầu riêng, vú sữa, măng cụt, cam, quýt và nhiều chủng loại cây trái khác. Với “vốn luyến” trên 3.000 ha cây ăn trái, các anh lãnh đạo đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các chương trình dự án làm ăn lớn trên cơ sở làm ăn liên kết. Từ những vự án ấp ủ ấy, các mô hình hợp tác làm ăn của bà con nhà vườn lần lượt ra đời. Đặc biệt trong năm 2019 và năm 2020, Hợp tác xã nông nghiệp Hưng Phú và Hợp tác xã Quyết Thắng được thành lập với chuyên canh và tiêu thụ sầu riêng, vú sữa tím. Có thể nói, đây là những tín hiệu lạc quan ban đầu của bà con trên vùng đất cây trái trù phú này.

    Rời Xuân Hòa khi trời bắt đầu trở chiều, tôi chạy bon bon trên con đường “đal hóa” xuyên qua các ấp Hòa Phú, Hòa An để ra con lộ bề thế Nam sông Hậu với những hàng cây bên đường xanh ngát và mát rượi, do những cơn gió từ con sông Hậu hiền hòa thổi vào và điều tôi cảm nhận ở Xuân Hòa lần này, là một vùng đất hội tụ “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” đã thực sự chuyển mình vươn lên trong gian khó.

Thiên Lý



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 55
  • Hôm nay: 7961
  • Trong tuần: 78,668
  • Tất cả: 11,801,988